Phó pháp Tường Vân

(PGVN) – Hòa thượng Chơn Thiện là người chính thức được truyền tâm ấn của Tổ, được cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết chính thức trao truyền. Danh đã chính, ngôn đã thuận thì sự ắt thành. Tăng Ni, Phật tử hẳn đều hy vọng Hòa thượng Trưởng môn phái Tường Vân, từ nay sẽ nối tiếp truyền thống Tường Vân

1. Ngày 21 và 22 tháng Giêng năm Ất Mùi (tức 11 và 12 tháng 3 năm 2015) có hai cuộc lễ lớn tại Tổ đình Tường Vân, thành phố Huế: Lễ húy kỵ Đức Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, và lễ khánh thành Đại trùng tu Tổ đình Tường Vân. Ngôi phạm vũ huy hoàng đã đón tiếp chư Tăng Ni Phật tử Thừa Thiên-Huế và khắp nước. Chư tôn thiền đức từ Trung ương Giáo hội, chư vị quan khách lãnh đạo của Nhà nước và các ban ngành, đoàn thể, và đặc biệt có đông đảo chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử của khoảng 100 tự viện thuộc tông môn Tường Vân đã vân tập về ngôi Tổ đình trang nghiêm với nét kiến trúc mỹ thuật Việt Nam, hoành tráng về vóc dáng và trang nghiêm trong truyền thống của ngôi già-lam.

Chuông trống vang lừng, cờ Phật giáo tung bay phất phới, các câu đối, hoành phi và hàng trăm tràng hoa dâng tặng từ Trung ương Giáo hội đến các cơ sở ban ngành Phật giáo cũng như chính quyền cùng với hàng chục ngàn Tăng Nỉ, Phật tử như làm sống động thêm lịch sử huy hoàng của Phật giáo Việt Nam, làm mạnh thêm lòng tin Tam bảo của những người con Phật và niềm tin của Nhà nước đối với Phật giáo Việt Nam.

Khó có thể miêu tả hết cái không khí của hai buổi lễ thiêng liêng này, nhưng người viết không có ý định miêu tả như một bản tường trình đầy đủ về tính cách hoành tráng và đầy ấn tượng của hai buổi lễ. Tôi chỉ muốn được nêu vài dòng về ba ý tưởng lồng quyện vào nhau của một người Phật tử gốc Huế đã xa nơi sinh trưởng lâu năm được trở lại mái chùa kính yêu nhân hai ngày lễ trọng đại này.

2. Chùa Tường Vân ban đầu là một thảo am do Thiền Sư Huệ Cảnh lập vào năm 1843 trên vùng đất đồi núi hoang vu ở Dương Xuân hạ, Hương Thủy, Thừa Thiên, sau được ngài Linh Cơ dời về đến vị trí hiện nay, không xa nơi cũ. Chùa được trùng tu nhiều lần; lần đại trùng tu vừa qua là do Hòa thượng Thích Chơn Thiện đảm nhiệm khởi từ giữa năm 2013 và đến nay đã hoàn tất.

Cơ duyên đại trùng tu chùa Tường Vân lần này vốn xuất phát từ đề nghị của Cư sĩ Phạm Nhật Vượng với lời hứa sẽ giúp đỡ cho công trình được sớm hoàn thành rộng rãi khang trang nhưng vẫn giữ nguyên nét truyền thống. Hòa thượng Thích Chơn Thiện nhận thấy ý này cũng phù hợp với quan điểm của cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết khi ngài cho sửa sang chùa từ năm 1972.

Trải bao đời qua, chư tôn đức trụ trì chùa Tường Vân đã viên tịch vốn đều là những bậc đạo hạnh cao vời, trí tuệ rộng lớn, là những thạch trụ của chốn Thiền lâm. Đặc biệt, cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ nhất Tăng thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, vị lảnh đạo cuộc tranh đấu của Phật giáo chống chính quyền Ngô Đình Diệm kỳ thị tôn giáo, đã kế thế trụ trì chùa Tường Vân từ năm 1934 đến năm 1973, là một vị Đại Thiền sư hết lòng vì Tam bảo, vì tiền đồ của Phật giáo Việt Nam. Ngài rất lưu tâm đến việc giáo dục Tăng Ni. Từ năm 1940, khi ngài làm Giám đốc Đạo hạnh của Viện Cao đẳng Phật học tại chùa Tường Vân và chùa Báo Quốc, ngài đã nêu rõ ý nguyện đào tạo Tăng Ni thành người tài đức, đủ sức phục vụ Đạo pháp và Dân tộc. Cũng trong ý nghĩa này, ngài quyết định gửi Hòa thượng Thích Chơn Thiện du học ở Hoa Kỳ từ đầu năm 1972, tại Đại học Ohio Athens, thuộc tiểu bang Ohio. Quyết định này, theo chúng tôi, là kết quả của cái nhìn trí tuệ của Đức cố Tăng thống qua suốt thời gian dài Hòa thượng Thích Chơn Thiện làm thị giả hầu hạ ngài, vốn là vai trò có chọn lựa trong hàng môn đệ.

Ngài viên tịch đầu năm Quý Sửu (1973), thọ 85 tuổi, 65 hạ lạp, 68 năm an trú chốn thiền môn. Hàng tôn túc và tông môn vẫn bảo ngài có trí tuệ nhìn thấy tương lai. Khó thấy biết được điều ấy; nhưng trong trường hợp của Hòa thượng Thích Chơn Thiện, hình như các thấy biết của ngài thật rõ ràng.

3. Vâng lệnh Bổn sư, Hòa thượng Chơn Thiện vào Sài Gòn học tại Đại học Vạn Hạnh, tốt nghiệp cử nhân. Cố ra lệnh Hòa thượng phải chuẩn bị du học, đồng thời thúc giục Đại lão Hòa thượng Thích Minh Châu, lúc ấy là Viện trưởng Viện Đại học Vạn Hạnh, lo thủ tục xuất ngoại, nhập học cho Hòa thượng.

Những năm trước đó, Hòa thượng Thích Chơn Thiện nghĩ sẽ xa chùar xa Thầy, xa chúng… nên ra sức hầu hạ Cố, gần gũi huynh đệ và quan tâm coi sóc việc chùa nhiều hơn. Khi lau quét tấm bia có bài Nghi của ngài Quy Thiện, vị Thiền sư nổi danh về kiến thức và tài năng văn học ở Huế, thấy tấm bia đã bị mờ, Hòa thượng mua sơn về tô từng chữ để cho dễ đọc. Lần nọ, có huynh đệ chung quanh, Hòa thượng Chơn Hương, Thượng tọa Chơn Khương… Hòa thượng đọc bài Nghi và giảng cho huynh đệ nghe. Vừa đọc vừa xúc động vì bài ca ngợi công đức của Cố, Hòa thượng đã rơi nước mắt. Sự kiện này qua đi và chẳng ai quan tâm.

Đến cuối năm 1972, khi Hòa thượng Chơn Thiện đang ở Hoa Kỳ, Hòa thượng Chơn Hương thay làm thị giả cho Cố. Vào một buổi sáng, khi hầu Cố đi dạo trong sân chùa, ngang tấm bia nói trên, Hòa thượng Chơn Hương bỗng nhớ lại chuyện cũ và kể lại cho cố nghe, cố trầm ngâm một lát rồi ôn tồn nhận xét về Hòa thượng Chơn Thiện: “Chơn Thiện có trí tuệ, có đạo hạnh, lại có tính thầm lặng. Sau này có thể gặp khó khăn, lại đa đoan công việc”. Thế rồi trưa hôm đó, Cố dạy lấy quyển vở học trò có kẻ ô, Cố dùng một trang viết một bài kệ. Cố dặn hòa thượng Chơn Hương: “Đến khi nào Chơn Thiện hết đa đoan, trở về Tổ đình chăm lo Phật sự, phát triển tông môn, thì trao bài này cho Chơn Thiện”. Cố còn lấy ra một cái hộp tròn nhỏ, đường kính độ 5cm, bên trong có tượng Phật móc vào một sợi dây chuyền. Tất cả, hộp, tượng, dây đều bằng vàng, nặng khoảng một lượng. Cố dặn Hòa thượng Chơn Hương phải giữ cất kỷ, bí mật, không được hé lộ cho ai.

4. Vào năm 2004, Hòa thượng Chơn Thiện xin từ nhiệm Phó Viện trưởng Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam và Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh để về Huế, an trú tại Tổ đình Tường Vân. Đến năm 2014; xong lễ Đại tường của cố Đại lão Hòa thượng trụ trì Thích Minh Châu, tông môn tụ hội, suy cử Hòa thượng Thích Chơn Thiện chức vụ trụ trì. Sau đó ít ngày, Hòa thượng Thích Chơn Hương mới tường thuật lại với Hòa thượng Thích Chơn Thiện, nói với Tăng chúng tông môn về sự trao truyền pháp kệ và hộp tượng Phật vàng như đã nói trên.

Bài pháp kệ nguyên văn như sau:

歲次壬七月十六曰午牌付:

心悟禅機真木体
善權應用且隨緣
付汝玄微明徹
圓覺承當祖印傳

汝師淨絜付法偈法子圓赀善護持

Phiên âm:

Tuế thứ Nhâm Tý niên, thất nguyệt, thập lục nhật, ngọ bài phó:

Tâm ngộ thiền cơ chơn bổn thể
Thiện quyền ứng dụng thả tùy duyên
Phó nhữ huyền vi minh liễu triệt
Viên Giác thừa đương tổ ấn truyền.

Nhữ sư Tịnh Khiết phó Pháp kệ Pháp từ Viên Giác thiện hộ trì.

Những chữ in đậm trong phần phiên âm có liên hệ đến pháp danh Tâm Ngộ, pháp hiệu Chơn Thiện và pháp hiệu Viên Giác của Hòa thượng Thích Chơn Thiện.

Tạm dịch:

Bài viết vào buổi trưa ngày 16 tháng 7 năm Nhâm Tý (1972):

Tâm tỏ ngộ được bổn thể chân thực của thiền cơ
Khéo linh động ứng dụng, hãy tùy theo cơ duyên
Trao cho ông chỗ rốt ráo sáng tỏ của lẽ huyền vi
Viên Giác tiếp nhận ấn do Tổ truyền.

Thầy của ông là Tịnh Khiết trao Pháp kệ cho Pháp tử Viên Giác, hỡy khéo hộ trì.

Như vậy, Hòa thượng Chơn Thiện là người chính thức được truyền tâm ấn của Tổ, được cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết chính thức trao truyền. Danh đã chính, ngôn đã thuận thì sự ắt thành. Tăng Ni, Phật tử hẳn đều hy vọng Hòa thượng Trưởng môn phái Tường Vân, từ nay sẽ nối tiếp truyền thống Tường Vân, phát triển tông môn, góp phẩn xây dựng và phát triển Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại mới.

Thật đáng kính ngưỡng, Hòa thượng Thích Chơn Hương, ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Trưởng ban Tăng sự Trung ương Giáo hội, Phó Trưởng ban Trị sự kiêm Trưởng ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thừa Thiên-Huế, trụ trì chùa Quảng Tế, phó trụ trì Tổ đình Tường Vân, đã kiên trì tuân thủ lời phó thác của sư phụ mình là cố Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, suốt 42 năm cất giữ bảo vật thiêng liêng để rồi chính thức công bố vào lúc thuận lợi, hợp tình, hợp lý.

5. Sau hai buổi lễ trọng đại, vào buổi chiều hôm mãn lễ, tôi lên chùa. Không khí rộn rã tưng bừng đã tan nhưng đạo vị vẵn còn phảng phất. Từ sân chánh điện nhìn xuống, tôi thấy Hòa thượng Chơn Thiện chậm rãi đi lui đi tới ở hành lang trước phòng phương trượng. Giờ đây, lặng lẽ, bình dị, thảnh thơi là vị Hòa thượng Tiến sĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương Giáo hội, Vỉện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế, Đại biểu Quốc hội, Tổng Biên tập Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo.

Tôi nhìn lên trời, như mọi lần, nhiều đám mây nhẹ lơ lửng tụ hội, nghĩ rằng đúng là mây lành, Tường Vân; rồi chợt nhớ đến hai câu đối ở cổng tam quan của Tổ đình:

祥瑞徧莊嚴, 檀信皈依僧福惠
雲香常彌布,眾生回向得清涼

Phiên âm:

Tường thụy biến trang nghiêm, đàn tín quy y tăng phước huệ,
Vân hương thường di bố, chúng sanh hồi hướng đắc thanh lương.

Tạm dịch:

Điềm tốt vẫn trang nghiêm chốn chốn, chúng tín tựa nương thêm phước huệ,
Mây thơm luôn lan tỏa nơi nơi, quần sanh hồi hướng được thanh lương.

Đó là ước nguyện, là nổ lực tạo thiện duyên cho những ai đến chùa của toàn thể Tăng chúng của ngôi phạm vũ Tường Vân và cho hết thảy chúng sinh trong cõi ta-bà.Tôi tin rằng ước nguyện đó, nỗ lực đó sẽ được thành tựu viên mãn.

Theo Tạp chí Văn hóa Phật giáo số 221