Kiến trúc phố cổ Hà Nội – Xưa và Nay

(HanoiTV) – Khu phố cổ Hà Nội là một quần thể kiến trúc độc đáo, mang nặng bản sắc dân tộc Việt. Tập trung dân cư chủ yếu làm nghề thủ công truyền thống, đây là nơi diễn ra đồng thời nhiều hoạt động trong đời sống hằng ngày của thị dân Hà thành như sinh hoạt, buôn bán, sản xuất, lễ hội, vui chơi giải trí… tạo nên một sức sống mãnh liệt để khu phố cổ tồn tại vĩnh viễn và phát triển không ngừng.

 

Khu 36 phố phường là thành phần khu thị dân trong tổng thể kinh thành Thăng Long, được hình thành theo quan điểm của thuyết phong thủy. Thăng Long là một đô thị sông nước: sông Nhị Hà viền quanh từ Bắc sang Đông; phía Tây Nam có hồ lớn Tây Hồ, Bảy Mẫu, có sông Tô Lịch, Kim Ngưu chảy quanh.

Về địa giới không gian, nhiều người vẫn ví khu phố cổ Hà Nội như một hình tam giác cân có đỉnh là phố Hàng Than, cạnh phía Đông là đê sông Hồng, cạnh phía Tây là các phố Hàng Cót, Hàng Điếu, Hàng Da, và đáy là trục Hàng Bông – Hàng Gai – Cầu Gỗ.

Các khu phố cổ, cho tới trước khi người Pháp tới, đều có chung một dáng dấp: các phố chi chít dọc ngang kiểu bàn cờ, phần lớn mang tên gọi của các mặt hàng sản xuất hay kinh doanh tại những nơi đó, như Hàng Đường, Hàng Bạc, Hàng Vôi, Hàng Hòm… Các phố được ngăn với nhau bởi những chiếc cổng lớn xây như bức tường mà bề rộng chiếm cả mặt đường, ban đêm được đóng một cách nghiêm ngặt.

Hai bên đường là các dãy nhà hình ống san sát, sắp xếp theo kiểu “chồng bao diêm”. Phần lớn các ngôi nhà trên khu phố cổ đều là nhà một tầng, mái lợp những viên ngói nhỏ nhắn với hai bức tường hồi vượt cao lên khỏi mái, xây giật cấp như những bậc thang và có đầu nóc là hai trụ đấu…

Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội, quy hoạch Hà Nội nói chung và khu phố cổ nói riêng có nhiều thay đổi. Đường phố được rải nhựa và nắn lại thẳng hơn, hạ tầng cơ sở có thêm hệ thống thoát nước, hè phố, và hệ thống chiếu sáng. Một số nhà cổ được xây lại kiên cố hơn vẫn theo kiến trúc cổ. Một số xây theo kiểu “Tây”, có một hoặc hai, ba tầng, chịu ảnh hưởng của vật liệu xây dựng mới và hình thức trang trí kiến trúc châu Âu. Kiến trúc Pháp len lỏi khắp không gian phố cổ và dần dần trở thành một di sản của Hà Nội.

Khu phố cổ Hà Nội từ 1954 – 1985 có nhiều sự thay đổi. Nhiều gia đình từ chiến khu trở về được bố trí vào ở ghép trong các ngôi nhà ở khu phố cổ. Từ một hộ gia đình, nay mỗi số nhà có ba, bốn hộ gia đình cùng sinh sống, rồi mỗi hộ lại phát triển thêm theo kiểu tam, tứ đại đồng đường… Để đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt của ngày một đông người đã làm nảy sinh thêm những méo mó của các khu nhà nơi phố cổ.

 

 

 

Kiến trúc nhà phố cổ Hà Nội bé nhỏ, bình dị. Tại khu phố cổ, người mua kẻ bán tấp nập, nhộn nhịp. Những ngôi nhà mái liền mái, tường liền tường đã tạo nên sức hấp dẫn của kiến trúc khu phố cổ Hà Nội, từ đó thể hiện được tinh thần, tâm hồn của dân nơi đây: một quần thể kiến trúc đầy sống động, gắn bó khăng khít, nương tựa vào nhau cùng tồn tại, sinh sôi và phát triển.

Qua các biến động lịch sử và sự phát triển không ngừng của đời sống xã hội, diện mạo của khu phố cổ đã biến dạng ít nhiều. Song bóng dáng của người xưa vẫn còn lưu lại, đặc biệt trong không gian văn hóa. Khu phố cổ Hà Nội với những ngôi nhà ống nhỏ, những con đường ăm ắp người đi, những đền chùa mái cong mềm mại và cả những không gian cây xanh mượt, thơm hương… đã làm nên một vẻ đẹp mà chỉ duy nhất Thủ đô Hà Nội mới có.

Giữ gìn khu phố cổ là giữ gìn một dấu ấn bản sắc cho đô thị Hà Nội, làm cho Hà Nội trong tương lai có được những không gian truyền thống trong không gian hiện đại. Khu phố cổ Hà Nội đang được Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền thành phố Hà Nội rất quan tâm trong việc bảo tồn, cải tạo, phát triển sẽ là những khu vực hấp dẫn khách du lịch đến thăm, tạo đà phát triển kinh tế du lịch cho Hà Nội và cho đất nước. Thăm khu phố cổ Hà Nội, khách tham quan hiểu được sinh hoạt và truyền thống “ngàn năm văn hiến” góp phần thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, trong quá trình hội nhập quốc tế mà vẫn giữ được bản sắc.

Hoài Lâm