Tinh hoa kiến trúc người Việt cổ


Ngoại cảnh chùa Dâu thuộc Bắc Ninh – Hà Nội.

Với quy luật của thời gian, đa số những công trình còn lại hiện hữu trong thời kỳ phong kiến – chủ yếu trước thế kỉ XIX (niên đại thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn). Thời kỳ kiến trúc nở rộ nhất của Đại Việt là thời nhà Lý – Trần, nhưng đến nay người ta con biết rất ít về lối kiến trúc này. Minh chứng để lại là các nền đất còn lại của các ngôi chùa thời kỳ đó như chùa Phật tích , chùa Dâu…

Dù công trình nhỏ bé nhu kiến trúc dân gian hay đồ sộ, phức tạp như kiến trúc cung đình thì đều sử dụng nhưng vật liệu có sẵn tại địa phương như: gỗ, đá, tre, nứa… Sau này phát triển hơn như: Gạch, ngói, sành, sứ…

Khi tìm hiểu về kiến trúc cổ Việt Nam, có nhiều người lầm tưởng đó là sự kế thừa của “kiến trúc Trung Hoa” vì Việt Nam đã chịu ách đô hộ hàng ngàn năm của Trung Quốc. Nhưng thực ra kiến trúc cổ truyền Việt Nam khác nhiều so với hệ kiến trúc của Trung Hoa.

Hệ thống kết cấu khung cột, vì kèo và các loại xà đều có quy định thống nhất về kích thước, tương quan về tỉ lệ.

Đặc biệt là cấu tạo về mái cong. Trung Hoa thiên về phương pháp “chồng đấu tiếp rui”, trong khi Việt Nam dùng “tàu đao lá mái” để cấu tạo mái cong. Các nghệ nhân Việt đã sáng tạo ra một thức kiến trúc riêng biệt trong kiến trúc cổ và dân gian.


Lối kiến trúc “tàu đao lá mái” trong thức kiến trúc cổ của người Việt

Trước hết nói đến dòng kiến trúc dân gian. Trong quá trình đấu tranh sinh tồn thì mỗi quốc gia, mỗi dân tộc đều tìm cho mình những biện pháp hay, những hình thái kiến trúc phù hợp nhất để chống chọi với điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên.

Vì vậy, ngôi nhà dân gian Việt cũng nhỏ bé như chính con người Việt vậy. Những ngôi nhà riêng lẻ, con cái trong nhà lớn thì lập gia đình và ra ở riêng nên ngôi nhà có quy mô vừa phải để phục vụ cho một gia đình.

Vươn khỏi cơ cấu gia đình là cộng đồng làng xã (trong cơ cấu xã hội Việt Nam). Vì vậy, mà ngôi nhà dân gian Việt luôn có mối quan hệ khăng khít giữa xóm làng. Một làng có thể chung nhau một cái giếng, không gian ngăn cách khá đơn sơ như: Một bức tường mỏng hay lớn hơn là lũy tre làng.

Ngôi nhà Việt cổ chủ yếu sử dụng lối “kiến trúc mở” để phù hợp với điều kiện môi trường nóng ẩm. Đặc trưng của nó là sự cao ráo, thông thoáng, gần gũi với thiên nhiên. Sử dụng nhiều ở không gian bên ngoài, nhiều cửa sổ, cây xanh, mặt nước không thể thiếu trong kiến trúc cổ Việt Nam. Ngoài ra, còn có các công trình công cộng khác như: cổng làng, chợ làng, quán điếm hay cầu…


Ngôi nhà Việt cổ luôn vừa phải và hài hoa với thiên nhiên.

Trong kiến trúc cổ Việt Nam, không thể không nhắc tới kiến trúc đình chùa. Tiêu biểu là đình Chu Quyến (ở Bắc Ninh – niên đại cuối thế kỉ XVII) và chùa Hoa Yên (ở Quảng Ninh – niên đại thế kỉ XI thời nhà Lý).

Kiến trúc phần triền mái dốc thẳng nhưng hếch lên ở góc mái tạo sự thanh toát, lấy cảm hứng từ mũi thuyền của nền văn hóa sông nước. Phần mái lớn chiếm tới 2/3 chiều cao mặt công trình(dùng bảy, kẻ đỡ mái hiên), nhất là đối với mái đình.

Góc mái tức “tàu đao” làm cong uốn ngược, còn gọi là đao quật. Ngói lợp truyền thống là ngói vảy rồng, hay ngói mũi hài. Cột to mập, phình phần dưới. Tiết diện cột thân tròn. Cột được đặt lên các đế chân cột chứ không chôn xuống nền, chính sức nặng của công trình càng làm công trình thêm vững vàng và ổn định. Kiến trúc này được chia làm làm nhiều gian. Tạo thành các khối liên kết bởi các vì nhà. Vì nhà được dựng lên nối thông với nhau bằng các xà ngang và xà ngưỡng tạo thành một hình hộp.

Do kiến trúc mái và cột chủ yếu là gỗ nên người Việt cổ rất ưa chạm khắc lên các cột, kèo. Những tác phẩm điêu khắc dân gian tinh xảo các cảnh chọi gà, gảy đàn, hát múa dân gian… Các họa tiết trang trí linh vật như: Rồng phượng, cá chép hóa rồng, hoa lá…

Trong mỗi công trình, tất cả các kích thước tính của công trình đều dựa theo “thước tầm” – một loại thước tính theo cơ thể của gia chủ. Để phù hợp với lối sống của gia chủ, thể hiện sự hòa hợp của con người với không gian xung quanh. Đó cũng là sự độc đáo của loại hình kiến trúc này.


Đình Chu Quyến – một trong những ngôi đình cổ khu vực Bắc Bộ.

Song hành với dòng kiến trúc trên, đó là kiến trúc cung đình. Điển hình là kinh đô Huế, được vua Gia Long khảo sát năm 1803, khởi công năm 1805, hoàn chỉnh năm 1832 Minh Mạng. Xuất phát từ dịch lý và thuật phong thủy của Trung Hoa, thuyết “Âm dương – Ngũ hành” được kết hợp để phát triển quy luật của vạn vật.

Ví như Điện Thái Hòa là trung tâm của kinh thành, chung quanh là Thanh Long(Đông), Bạch Hổ(Tây), Chu Tước(Nam), Huyền Vũ(Bắc). Hướng kinh thành quay về hướng Nam vì kinh dịch viết: ” Thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”, tức là bậc đế vương xoay mặt về hướng Nam để cai trị thiên hạ.

Kế thừa kiến trúc nhiều thời Lý, Trần, Lê đồng thời tiếp thu tinh hoa của mỹ thuật Trung Hoa, nhưng lại được Việt hóa một cách có ý thức dân tộc của các nghệ nhân Nam Bắc quy tụ về xây dưng kinh đô.

Đặc biệt được hiện đại hóa kỹ thuật của công trình sư người Pháp(thời Gia Long). Theo phương trâm cơ bản hòa hợp tinh hoa những lối kiến trúc mang nhiều bản sắc dân tộc nhưng lại thích nghi với tâm hồn người Việt và được Việt hóa dần để phù hợp với tâm lý bản địa đem lại nét kiến trúc đặc trưng, nhiều màu sắc cho kiến trúc Huế.


Kinh thành Huế luôn nguy nga tráng lệ.

Trải qua biết bao cuộc chiến với giặc ngoại xâm, kiến trúc quân sự – quốc phòng luôn được quan tâm vì nó liên quan tới sự sinh tồn và phát triển của mỗi dân tộc. Điểm sáng trong lối kiến trúc này đó chính là thành Cổ Loa, được đánh giá là: “Tòa thành cổ nhất, quy mô lớn vào bậc nhất, cấu trúc cũng thuộc loại độc đáo nhất trong lịch sử thành lũy của người Việt cổ”.

Cổ Loa từng là kinh đô nhà nước Âu Lạc thời An Dương Vương(thế kỉ III trước CN) và của nước Đại Việt thời Ngô Quyền (thế kỉ X), thành Cổ Loa là một di tích còn lại cho tới nay. Kiến trúc thành được người Việt cổ lợi dụng tối đa và khéo léo của địa hình tự nhiên.

Họ tận dụng chiều cao của các gò, đồi và đắp đất cao lên để xây hai bức tường thành phía ngoài, hai bức tường này uốn lượn theo địa hình chứ không đường thẳng như bức tường thành trung tâm.

Thành được xây cạnh con sông Hoàng để dùng sông này vừa làm hào bảo vệ, vừa làm nguồn cung cấp nước cho toàn hệ thống hào. Chất liệu chủ yếu là đất, sau đó là đá và gốm vỡ. Trên thực tế, thành Cổ Loa có 3 vòng: “thành nội, thành trung và thành ngoại”.


Sơ đồ mô phỏng 3 vòng của thành Cổ Loa (vòng màu xanh).

Thành nội: Hình chữ nhật, cao trung bình 5m so với mặt đất, mặt thành rộng 6m đến 12m, chân rộng 20m đến 30m, chu vi 1.650m và có một cửa nhìn vào tòa kiến trúc Ngự triền di quy. Thành trung: là một vòng thành không có khuôn hình cân xứng, dài 6.500m, nơi cao nhất là 10m, mặt thành rộng trung bình 10m, có năm cửa ở các hướng Đông, Nam, Bắc, Tây Bắc và Tây Nam (trong đó cửa Đông thông với sông Hoàng). Thành ngoại: không có hình dáng rõ ràng, dài 8.000m, cao trung bình 3m đến 4m (có chỗ tới hơn 8m).

Sự kết hợp của sông, hào và tường thành không có hình dạng nhất định, khiến thành như một mê cung, là một khu quân sự vừa tốt cho tấn công, vừa dễ cho phòng thủ. Có thể nói, thành Cổ Loa đã thể hiện sự sáng tạo độc đáo của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống giặc ngoại xâm.

Đồng thời thể hiện sự phân bố giai cấp trong xã hội thời ấy thật rõ ràng. Thành Cổ Loa đã trở thành một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, về trình độ kĩ thuật cũng như văn hóa của người Việt cổ.

Qua những lối kiến trúc trên, chúng ta có thể hoàn toàn tự hào về quá khứ hào hùng trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta. Mặc dù phải đối phó với không biết bao nhiêu thiên tai, dịch họa, nhưng tổ tiên chúng ta vẫn bảo tồn được nền văn hóa dân tộc và để lại cho thế hệ sau những di sản kiến trúc quý báu.

Điều quan trọng nhất có thể khẳng định rằng kiến trúc cổ Việt Nam là lối kiến trúc có bản sắc riêng biệt, có tinh hoa từ ngàn đời đúc kết lại mà có, chứ không phải là sự sao chép của bất cứ nền văn hóa nào.

(Theo báo mới)